Thương hiệu Hermès: Lịch sử hình thành và phát triển

Hermès là thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng của Pháp, nhưng không phải ai cũng biết những câu chuyện đằng sau lịch sử dài gần hai thế kỷ của nhà mốt này.

Hashtag: Lịch sử thời trang Hermes

Hermès International S.A., gọi tắt là Hermès, là nhà mốt xa xỉ của nước Pháp và là cái tên quen thuộc trong danh sách những thương hiệu thời trang đẳng cấp nhất thế giới. Hermès được nhiều người biết tới với các mặt hàng đa dạng như trang phục may sẵn (ready-to-wear), phụ kiện, các đồ vật trang trí nhà cửa xa xỉ, mỹ phẩm và nước hoa. Thế nhưng ít người biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay, Hermès đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong suốt gần hai thế kỷ hình thành và phát triển.

Hermès là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới

>>> Xem thêm: Tại sao người ta lại thèm khát Hermès đến thế?

Thierry Hermès: Người sáng lập thương hiệu

Năm 1801, Thierry Hermès được sinh ra tại thị trấn Krefeld, Đức. Krefeld thường được nhiều người gọi là “thành phố của nhung và lụa” bởi nơi đây có truyền thống dệt vải lâu đời. Cha của Thierry Hermès là người nhập cư từ Pháp, còn mẹ ông là người Đức. Thierry là người nhỏ tuổi nhất trong số 6 người con trong gia đình.

Chân dung người sáng lập nên đế chế thời trang Hermès

Do bệnh tật và chiến tranh, Thierry Hermès mất cả gia đình, trở thành trẻ mồ côi và chuyển đến Pháp vào năm 1821. Do Krefeld lúc bấy giờ là một phần của đế chế Napoléon nên Thierry Hermès được hưởng quyền của một công dân Pháp.

Thierry đã kết hôn với Christine Petronille, có một con trai tên là Charles-Émile, và về sau đó là hai cháu trai Adolphe và Emile-Maurice.

Khởi đầu với một cửa hàng bán yên ngựa

Năm 1837, Thierry Hermès mở một cửa hàng bán yên ngựa tại khu phố Grands Boulevards thuộc Paris, Pháp. Đó cũng chính là lý do logo của Hermès được sử dụng từ năm 1950 có hình một chiếc xe ngựa. 

Thierry Hermès là một thợ thủ công đồ da đầy tài năng chuyên sản xuất những dây kéo ngựa có độ bền và chất lượng cao. Điểm khác biệt của Thierry so với các đối thủ chính là những sản phẩm mà ông tạo ra chỉ có thể được làm bằng tay và cần sử dụng 2 cây kim. Sự tỉ mỉ và cầu kì trong sản xuất đồ da thủ công đã giúp Thierry Hermès gặt hái được nhiều giải thưởng tại các Triển lãm Quốc tế tổ chức tại Paris vào năm 1855 và 1867.

Lúc bấy giờ, khách hàng của Hermès bao gồm nhiều người thuộc giới thượng lưu Paris, quý tộc và hoàng gia từ khắp châu Âu. Ngay cả Napoleon III, tổng thống đầu tiên của nền cộng hoà Pháp, cũng là một khách hàng quen thuộc của Hermès.

Thương hiệu Hermès vào năm 1880-1900

Năm 1878, Thierry Hermès qua đời. Thương hiệu Hermès được con trai của nhà sáng lập là Charles-Émile Hermès tiếp quản. Charles-Émile đã chuyển vị trí của công ty tới số 24 đường Faubourg Saint-Honoré, nơi mà trụ sở Hermès vẫn được đặt ngày nay. Ông vẫn tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm cưỡi ngựa.

Năm 1900 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử thương hiệu khi Charles-Émile Hermès thiết kế nên chiếc túi đầu tiên của Hermès với sự giúp đỡ của hai người con trai là Adolphe và Emile-Maurice. Thiết kế này thực chất là túi để các tay cưỡi ngựa mang theo bên mình. Chiếc túi được đặt tên là Haut à Courroies, lấy cảm hứng từ túi đựng yên ngựa của những người chăn bò ở Argentina.

Tên thương hiệu đổi thành Hermès Frères

Năm 1902, Charles-Émile Hermès nghỉ hưu, chuyển giao quyền quản lý công ty cho hai con trai Adolphe và Emile-Maurice. Adolphe và Emile-Maurice đã mở rộng công ty ra khỏi biên giới nước Pháp, đồng thời đổi tên công ty thành Hermès Frères với ý nghĩa là anh em nhà Hermès.

Năm 1914, Émile-Maurice nhận được đơn hàng lớn từ Nga hoàng. Điều này khiến hãng phải tăng lượng nhân công lên đến 80 nghệ nhân chế tác yên cương. Các mặt hàng của thương hiệu cũng dần trở nên đa dạng hơn. Năm 1918, Hermès Frères cho ra mắt chiếc áo khoác da thuộc có dây kéo đầu tiên trong lịch sử, một thiết kế độc bản dành cho hoàng tử Edward của nước Anh. Với sản phẩm độc quyền này, Hermès có được bằng sáng chế châu Âu dành cho dây kéo dùng trên áo khoác. Bởi vậy, lúc bấy giờ dây khóa kéo thường được gọi là “khóa kéo Hermès”.

Tuy nhiên, theo thời gian, sản xuất công nghệ ngày càng phát triển hơn, kéo theo sự ra đời của những chiếc xe hơi. Điều này đồng nghĩa với việc xe ngựa không còn thịnh hành như trước, khiến doanh thu các mặt hàng dành cho việc cưỡi ngựa của Hermès Frères bị giảm sút. Trước tình trạng làm ăn không mấy phát triển, Adolphe Hermès quyết định rời công ty gia đình. Émile-Maurice đã mua lại toàn bộ số cổ phần của Adolphe, rồi đổi tên thương hiệu về Hermès như ban đầu.

Các mặt hàng liên tục được mở rộng

Năm 1922 đánh dấu kỷ nguyên mới của Hermès với túi xách và thời trang nữ. Do vợ của mình thường xuyên than vãn rằng không có một chiếc túi xách da thuộc ưng ý để dùng, Émile-Maurice đã tự tay thiết kế một chiếc túi cho vợ. Thiết kế này giống như phiên bản thu nhỏ của túi Haut à Courroies cổ điển của Hermès.

Một năm sau đó, vợ của Ettore Bugatti - một tài phiệt xe hơi đã đặt Hermès làm một chiếc túi xách có quai cầm nhỏ gọn để đặt vào khoang nhỏ bên hông cửa xe. Dựa trên mẫu thiết kế của Émile-Maurice, Hermès đã cho ra đời mẫu túi đại trà với tên gọi Torpedo No.1.

Cuối thập niên 1920s, nhà mốt nước Pháp lần đầu giới thiệu tới công chúng các thiết kế quần áo may sẵn cho phụ nữ, bao gồm cả áo tắm. Tới năm 1937, thời điểm 100 năm thành lập công ty, Hermès ra mắt chiếc khăn choàng vuông 90cm bằng lụa mang tên Hermès Carré (carré nghĩa là ô vuông). Sản phẩm này nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng, được xem là biểu tượng của phong cách thời trang sang trọng và kín đáo. Đệ nhất phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy và nữ hoàng Elizabeth II của Anh đều rất yêu thích mẫu khăn choàng này.

Tới năm 1949, Hermès sản xuất những chiếc cà vạt làm bằng lụa cho nam giới, chứng minh rằng lụa không phải là chất liệu chỉ dành riêng cho phái nữ. Khi Émile-Maurice qua đời vào năm 1951, hai người con rể của ông là Robert Dumas-Hermès và Jean-René Guerrand trở thành những người chèo lái công ty. Lúc này, họ cho sản xuất dòng nước hoa đầu tiên của thương hiệu mang tên Eau d’Hermès.

Cũng vào giai đoạn này, Hermès bắt đầu sử dụng bao bì màu cam trứ danh. Trên thực tế, hộp màu kem, viền màu nâu mô phỏng da thuộc mới là sự lựa chọn ban đầu của thương hiệu. Tuy nhiên chất liệu để làm nên một hộp như thế lại rất khan hiếm sau Chiến tranh Thế giới I, nên hãng phải đổi sang màu cam. Thế nhưng bất ngờ rằng gam màu này khiến thương hiệu Hermès rất dễ nhận diện, và từ đó màu cam trở thành màu sắc đặc trưng của Hermès cho tới tận bây giờ.

Năm 1956, hình ảnh minh tinh màn bạc và công nương Grace Kelly sử dụng túi Sac à Dépêches của Hermès để che bụng bầu xuất hiện trên khắp các mặt báo. Điều này khiến nhiều người đổ xô tới các cửa hàng của Hermès để mua một chiếc túi giống với minh tinh mình yêu thích. Dưới sức hút lớn dành cho sản phẩm này, Hermès đổi tên túi thành Kelly Bag.

Túi xách Kelly trở thành mặt hàng được rất nhiều phụ nữ săn đón

Những dấu ấn của Jean-Louis Dumas

Jean-Louis Dumas, con trai của Robert Dumas-Hermès, được xem là người có công lớn trong việc đưa tên tuổi của công ty lan rộng ra khắp thế giới. Khi trở thành chủ tịch công ty vào năm 1978, Jean-Louis đã bổ nhiệm Bernard Sanz làm nhà thiết kế mảng trang phục nam, và Eric Bergère (khi đó mới chỉ 19 tuổi) trở thành nhà thiết kế cho mảng thời trang nữ của Hermès.

Sau cuộc gặp gỡ với một người đẹp từ nước Anh tên Jane Birkin trên máy bay, Jean-Louis Dumas đã thiết kế một mẫu túi xách cho cô. Thế nhưng chính Jean-Louis cũng chẳng ngờ rằng túi xách Birkin lại trở thành một điểm sáng trong lịch sử nhà mốt xa xỉ nước Pháp.

Túi xách Birkin là dòng sản phẩm đình đám của thương hiệu Hermès

Năm 1988, Véronique Nichanian trở thành người phụ trách trang phục nam giới thay cho Bernard Sanz. Năm 1989, Claude Brouet, người từng làm biên tập cho tạp chí, đã đầu quân vào mảng trang phục nữ giới của Hermès. Claude Brouet đã giúp Hermès quy tụ được nhiều người tài như Tan Giudicelli, Myrène de Prémonville, Marc Audibet, Tomas Maier cùng vợ chồng Olivier Chatenet và Michèle Meunier để cho ra mắt những BST thời trang đầy ấn tượng. 

Sản phẩm của Hermès luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao trong sản xuất thủ công

Thương hiệu Hermès hiện tại

Jean-Louis Dumas nghỉ hưu vào năm 2006 và qua đời tại Paris vào năm 2010 do tình trạng sức khoẻ suy yếu. Hiện nay, Hermès được điều hành bởi Axel Dumas và Pierre-Alexis Dumas. Axel Dumas là người có tầm nhìn chiến lược giúp đẩy mạnh doanh thu, còn Pierre-Alexis Dumas thì là người tài năng trong mảng sáng tạo các thiết kế. Cả hai vẫn đang không ngừng củng cố và xây dựng đế chế thời trang Hermès vững mạnh.

Bài liên quan

News feed