Chính sách oái ăm của Hermès để mua được túi hiệu: Khi khách hàng không còn là thượng đế

Châm ngôn “khách hàng là thượng đế” được những người kinh doanh thuộc nằm lòng nhưng Hermès lại là ngoại lệ.

Hashtag: Túi xách Hermes

Đối với những tín đồ thời trang cao cấp, việc sở hữu một chiếc túi Kelly hay Birkin là niềm ước mơ xa xỉ. Lý do là mỗi năm Hermès chỉ làm khoảng 120.000 chiếc Birkin hay Kelly. Mỗi một chiếc túi cần ít nhất 40 giờ để hoàn thiện. Khách hàng có thể phải xếp hàng từ 1 đến 2 năm mới có thể chạm tay vào sản phẩm tuyệt hảo này.

Tuy nhiên, chờ đợi và có nhiều tiền là một nhẽ, không phải cứ xếp hàng, ghi danh và thanh toán là bạn đương nhiên sẽ trở thành chủ sở hữu của những chiếc túi đáng giá cả căn chung cư này. Để đủ "tư cách" mua túi, bạn cần phải chi trả một khoản tiền nhất định cho những món đồ khác của Hermès mới vượt qua "vòng gửi xe" và đặt một chân vào cuộc đua sở hữu những chiếc túi đắt đỏ và xa xỉ.

Trước khi có thể lọt vào danh sách mua túi Kelly hay Birkin, khách hàng cần phải chi tiêu một khoản tiền nhất định cho Hermès. Chính vì lẽ này, nhiều người đã bỏ rất nhiều tiền để mua những món đồ linh tinh của nhà mốt Pháp.

Chính vì yêu cầu ngặt nghèo này mà tính riêng ở Hàn Quốc, nhiều tín đồ túi hiệu đã phải cắn răng sắm sửa những món đồ không bao giờ dùng đến để nuôi hy vọng một ngày chạm tay vào những sản phẩm mơ ước. Trên nhiều diễn đàn chuyên về săn túi hiệu tại Hàn Quốc, nhiều người đã đưa ra lời khuyên: "Bạn cần phải đến cửa hàng khoảng 2 – 3 lần/tuần để mua thứ gí đó có giá khoảng chục ngàn won đến triệu won.”

Một số khác thì nói rằng, bạn có thể mua những thứ linh tinh như bát đĩa hoặc sổ tay để “lấy lòng” nhân viên. Đặc biệt, dù nhãn hàng có chính sách trả lại nhưng bạn tuyệt đối không được làm thế bởi sẽ làm mất điểm trong mắt những nhân viên của Hermès. Có thể thấy rằng, vai trò cửa trên của khách hàng đã không còn tồn tại với nhà mốt nước Pháp!  

Một số người còn bỏ ra chục nghìn won để mua một cuốn sổ tay của Hermès. Nhiều khách hàng còn lui tới cửa hàng 2 - 3 lần/tuần để khiến cho nhân viên nhớ mặt. Rõ ràng với Hermès, khách hàng không còn là thượng đế.

Dẫu biết rằng chính sách này của Hermès có thể khá phi lý tuy nhiên sức tiêu thụ vẫn không hề giảm. Theo báo cáo của Hermès Hàn Quốc, doanh thu ở thị trường nội địa đã đạt khoảng 419.1 tỷ won vào năm ngoài, tăng 15.9% so với năm trước đó.   

Dù có tăng giá hay có nhiều chính sách oái oăm đến đâu, Hermès vẫn là cái tên được nhiều người khao khát.

Chúng ta đều biết, chính sách chăm sóc khách hàng sinh ra để khách hàng hài lòng với việc mua hàng, qua đó tiếp tục mua nhiều hàng hoá hơn. Trong trường hợp không cần các hoạt động hậu mãi mà thương hiệu vẫn "cháy hàng", khách hàng thậm chí còn phải "quỵ luỵ" nhãn hàng và nhân viên cửa hàng mới mua được thứ họ mong muốn, thì đúng là các nhân viên chăm sóc khách hàng của Hermes cứ thế mà tiếp tục ngồi chơi xơi nước.

Bài liên quan

News feed