Không phải những con số, cảm nhận của khách hàng mới là thứ tạo nên “thời trang cao cấp”

Thời trang cao cấp đôi khi không thực sự được định vị bởi giá tiền mà nó được tạo ra nhiều hơn từ cảm nhận của người tiêu dùng.

Hashtag: Câu chuyện thời trang Thời trang và tâm lý học

Hãy nhắm mắt lại và nghĩ về một thương hiệu thời trang cao cấp nào đó mà bạn biết hoặc yêu thích. Tại sao bạn lại thích chúng? Tại sao bạn lại coi chúng là cao cấp? Có phải vì giá tiền vời những con số 0 nhìn thật choáng voáng? Đúng - nhưng chưa đủ. Thực chất, bạn cảm thấy chúng cao cấp vì... bạn cảm thấy thế!

Nghe thật kì lạ nhưng thực chất đây là một chiêu trò Marketing từ những nhãn hàng cao cấp nhất. Trong rất nhiều năm, những nhãn hàng này cứ dập dìu đưa vào đầu bạn những ý niệm rằng một con người cao cấp phải là người dùng đồ của họ. Theo thời gian, bạn thực sự đã tin như vậy. Kết quả là khi tập khách hàng của thương hiệu đã tin rằng đồ của nhãn hàng đó là tốt nhất, xịn nhất, hiệu nhất thì việc tăng giá bán không phải điều khó khăn.

Một thương hiệu được cho là cao cấp đôi khi không xuất phát từ giá tiền mà tới từ chính suy nghĩ và cảm nhận của khách hàng.

Hãy lấy ví dụ là nhà mốt Chanel: Trong suốt 100 năm, hãng liên tục theo đuổi hình tượng người phụ nữ kiêu kỳ, cao sang ngút ngàn. Cô gái Chanel là người sành sỏi trong mọi chuyện, một đóa hồng hiếm ai cũng muốn có nhưng chẳng thể chạm vào. Vậy là khách hàng của nhà mốt Pháp tin rằng để trở nên độc bản, họ phải mặc Chanel.
Bên cạnh đó, chiến lược khan hiếm cũng giúp nâng cao nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Nhờ vậy, Chanel có thể dễ dàng tăng giá mà chẳng khiến những "con chiên" của mình khó chịu.

Một ví dụ khác là Gucci – thương hiệu thời trang cao cấp được Gen Z yêu thích nhất trong năm 2021. Dưới thời của Alessandro Michele, sự tối giản của Frida Gianni đã phải nhường ngôi cho hình tượng điên cuồng, nổi loạn. Điều này đã chạm được đến đối tượng khách hàng mới của Gucci là thế hệ Gen Z – những con người không bao giờ ngại thử những điều khác biệt.

Các nhãn hàng đã dày công xây dựng hình tượng thương hiệu trong nhiều năm để khiến cho khách hàng yêu mến.

Tóm lại, con người dù không muốn thừa nhận nhưng là chủng loài đầy cảm xúc. Phần lớn chúng ta luôn muốn tìm kiếm một thương hiệu khớp với cá tính của mình chứ không phải vì sự tiện dụng của nó. Đây chính là yếu điểm được các thương hiệu cao cấp "chạm" vào và khai thác, khiến người tiêu dùng cứ nhẹ nhàng rút hầu bao trong sung sướng.  

Khách hàng vẫn luôn vui vẻ rút tiền ra mà chẳng cần hỏi xem những món đồ đó có thực sự phù hợp không

Bài liên quan

News feed