8 mẹo đơn giản giúp bạn thiết kế nội thất đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm chi phí

8 lời khuyên của NTK nội thất Sabina Miller sẽ giúp độc giả tự thiết kế nội thất cho ngôi nhà từ những bước cơ bản nhất.

Hashtag: Thiết kế nhà ở Thiết kế nội thất Tư vấn thiết kế Mẹo vặt

Nếu bạn đang muốn tân trang lại ngôi nhà của mình, điều quan trọng là phải nắm các quy tắc cơ bản của thiết kế nội thất trước khi bắt đầu. Các yếu tố cơ bản như tỷ lệ, kiểu dáng, kích thước nội thất, khoảng cách,... tốt nhất cho mỗi khu vực chức năng là chìa khóa để tận dụng tối đa không gian vừa và nhỏ. 

Chúng tôi đã tổng hợp được 8 lời khuyên của NTK nội thất Sabina Miller đến từ Vương quốc Anh, giúp độc giả có thể tự thiết kế nội thất cho ngôi nhà từ những bước cơ bản nhất. Mời bạn cùng theo dõi nhé!

» Xem thêm: 4 sai lầm khi thiết kế nội thất ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và sự tiện nghi trong nhà

1. Khoảng cách giữa sofa và bàn nước

Sofa và bàn nước là 2 món nội thất cơ bản trong phòng khách. Theo quy tắc chung, bạn hãy chừa khoảng cách giữa ghế sofa và bàn nước là 45cm. Nếu gần quá sẽ khiến không gian như bị "bóp" lại, còn xa quá sẽ gây khó khăn khi với lấy đồ uống trên bàn.

Bạn hãy chừa khoảng cách giữa ghế sofa và bàn nước là 45cm.

2. Chọn điểm nhấn nổi bật

Trong bất cứ căn phòng nào, nếu tất cả các món nội thất đều một màu và cùng kiểu dáng thì trông sẽ vô cùng nhàm chán. Bạn cần tạo cho nó một điểm nhấn, có thể là từ thảm trải sàn, tranh nghệ thuật hoặc đèn chùm ấn tượng để căn phòng có sức hút hơn.

Chọn điểm nhấn nổi bật để căn phòng có sức hút hơn.

3. “Kéo cao” trần nhà thấp

Nếu trần nhà thấp, bạn hãy khắc phục bằng cách lựa chọn nội thất thấp sàn để tạo ảo giác về chiều cao của căn phòng. Với phòng khách, hãy chọn sofa và nước thấp, với phòng ngủ là một chiếc giường thấp sàn,... đồng thời sơn tường và trần tone màu sáng.

Lựa chọn nội thất thấp sàn để tạo ảo giác về chiều cao của căn phòng. 

4. Lưu ý độ cao khi treo tranh

Một quy tắc khi thiết kế nội thất là không treo tranh ảnh quá cao (hoặc quá thấp), vừa khó khăn khi chiêm ngưỡng và ảnh hưởng thẩm mỹ. Chiều cao được khuyến khích là ngang tầm mắt, khoảng 145cm tính từ sàn nhà đến tâm bức tranh. Dĩ nhiên, sẽ có vài trường hợp ngoại lệ khi tranh ảnh nhỏ sẽ treo trên bàn phụ hoặc cạnh đèn chiếu sáng.

Chiều cao được khuyến khích là khoảng 145cm tính từ sàn nhà đến tâm bức tranh.

5. Bổ sung gương để “cơi nới” không gian

Không gì đơn giản hơn cách bổ sung một tấm gương để "nhân đôi" không gian và ánh sáng cho một căn phòng nhỏ. Gương đặt ở vị trí gần cửa sổ càng tuyệt vời hơn nhằm xóa nhòa khoảng cách giữa nội thất và ngoại thất. Ngoài ra, tấm gương cũng là phụ kiện trang trí đẹp mắt đấy chứ!

Bổ sung một tấm gương để "nhân đôi" không gian và ánh sáng cho một căn phòng nhỏ.

6. Đừng quên rèm che cửa sổ

Hãy đo đạc cửa sổ và lựa chọn kiểu rèm che phù hợp nhất. Rèm cửa kích thước chạm sàn sẽ tạo cảm giác bức tường cao hơn, rèm ngắn trông sẽ rất "kỳ cục". Nếu rèm dài không phù hợp với căn phòng, hãy tham khảo kiểu rèm Roman nhẹ nhàng để tạo điểm nhấn thanh lịch.

Hãy đo đạc cửa sổ và lựa chọn kiểu rèm che phù hợp nhất.

7. Xen kẽ nhiều kiểu dáng

Nếu căn phòng đã có nhiều nội thất góc cạnh vuông vức như hình vuông, hình chữ nhật thì hãy bổ sung những kiểu dáng nội thất hoặc phụ kiện hình tròn, oval,... để tạo cảm giác cân bằng và "làm mềm" những đường nét thô cứng khác. Khi đó căn phòng sẽ mang lại rung cảm đặc biệt hơn.

Xen kẽ nhiều kiểu dáng vuông vức và bo tròn mềm mại để tạo cảm giác cân bằng.

8. Lùi lại một bước!

"Lùi lại một bước" là cách ẩn dụ để nhắc bạn nên lùi lại nhìn ngắm tổng thể căn phòng. Sibana khuyên: "Tất cả các NTK nội thất sẽ nói với bạn rằng việc xem xét căn phòng từ xa sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét và dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh, bổ sung hay loại bỏ". Và chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn! 

"Lùi lại một bước" là cách ẩn dụ để nhắc bạn nên lùi lại nhìn ngắm tổng thể căn phòng.

Bài liên quan

News feed